Đổi mới sáng tạo trong quản trị nhân sự theo xu hướng thời đại
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để các doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay. Từng bước hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, MobiFone quyết liệt tạo ra dòng chảy nhân sự, thúc đẩy đổi mới – sáng tạo trong toàn hệ thống.
Đổi mới sáng tạo – chìa khóa thành công của doanh nghiệp
Tại quyết định số 39/QĐ-HĐTV của Hội đồng thành viên Tổng công ty ngày 21/5/2024 về Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 nêu rõ một trong những quan điểm phát triển của MobiFone là: Liên tục đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ và áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế hiện đại để duy trì là doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả cao; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có trình độ, phẩm chất đạo đức; có năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trong khu vực và quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn trở thành tập đoàn Công nghệ hàng đầu Việt Nam, có sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước, MobiFone đã đề ra các giải pháp thực hiện chiến lược, kế hoạch trên các lĩnh vực Khách hàng, Sản phẩm dịch vụ, Công nghệ, Vận hành, Năng lực… Tất cả đều hướng tới mục tiêu đổi mới, sáng tạo toàn diện, đa chiều. Trong đó, có đổi mới về Năng lực, làm hài lòng nhân viên và thu hút nhân tài bằng cách kiến tạo một tổ chức dựa trên nền tảng tri thức và giá trị thông qua việc hợp nhất văn hóa học hỏi (Learning), đổi mới sáng tạo (Innovation) và làm việc nhóm (Teamwork) với tầm nhìn của MobiFone về dẫn đầu lĩnh vực số; Bổ sung và đào tạo nhân sự phù hợp với hoạt động và Phát triển văn hóa doanh nghiệp. Phát biểu tại Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm cán bộ tháng 8/2024, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hồng Hiển đã khẳng định: “MobiFone trước giờ vẫn luôn coi con người là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt, mà chủ thể thực hiện đổi mới sáng tạo ở đây chính là con người.”
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh không ngừng hiện nay, đổi mới sáng tạo để nâng cao tính linh hoạt và khả năng thích với thị trường là chìa khóa quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Một trong những giải pháp được ứng dụng thành công tại nhiều doanh nghiệp điển hình về đổi mới sáng tạo trên thế giới là luân chuyển nhân viên. Một trong những ví dụ tiêu biểu là Unilever – tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Unilever đã xây dựng chiến lược phát triển lãnh đạo toàn diện (Future Leaders Programme), với chương trình luân chuyển nhân sự toàn cầu, giúp nhân viên tích lũy kinh nghiệm từ các thị trường khác nhau. Những nhà quản lý của Unilever được luân chuyển qua nhiều vị trí và khu vực khác nhau, qua đó họ hiểu rõ hơn về các thị trường địa phương; tăng cường kỹ năng lãnh đạo, quản lý đa quốc gia; góp phần tăng cường sức mạnh toàn cầu của công ty.
Tương tự, là sáng kiến “Global Mobility” của IBM – tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, nơi nhân viên thường xuyên được luân chuyển đến các văn phòng quốc tế khác nhau để mở rộng tầm nhìn toàn cầu và phát triển khả năng lãnh đạo. Chiến lược này khuyến khích sự hợp tác và đổi mới xuyên văn hóa, góp phần vào thành công của IBM trong lĩnh vực công nghệ.
Một ví dụ tiêu biểu khác về phương pháp phát triển lãnh đạo của Google là việc luân chuyển nhân sự và mô hình lãnh đạo phân tán. Google chú trọng đến việc luân chuyển những nhân viên có tiềm năng cao qua các bộ phận và dự án khác nhau, giúp họ phát triển bộ kỹ năng lãnh đạo toàn diện. Thông qua việc này, các nhà lãnh đạo tương lai sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật đến marketing, giúp họ hiểu sâu hơn về hoạt động kinh doanh của công ty. Dưới sự lãnh đạo của Eric Schmidt, cựu CEO của Google, Google đã thúc đẩy mô hình lãnh đạo phân tán. Nhân viên được khuyến khích làm việc trong nhiều nhóm khác nhau, thậm chí ở các địa điểm toàn cầu, nhằm phát triển kỹ năng lãnh đạo và hiểu biết về các sản phẩm, thị trường đa dạng của Google.
Ngoài ra, Google còn có chiến lược “Global Mobility” tương tự IBM, khuyến khích nhân viên tham gia vào các nhiệm vụ ở các quốc gia khác nhau. Việc luân chuyển nhân sự qua các thị trường và văn hóa khác nhau giúp Google duy trì lợi thế trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.
Đổi mới sáng tạo trong chiến lược trong quản trị nhân lực ở MobiFone
Tại MobiFone, luân chuyển cán bộ là phương pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, quản trị nhân sự phù hợp với xu hướng của thời đại với theo tinh thần đổi mới sáng tạo. Từ đầu năm 2020 đến nay, Tổng công ty đã có 137 lượt cán bộ được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm; trong đó, riêng từ đầu năm 2024 đến nay là 21 lượt. Công tác cán bộ có nhiều điểm mới, mang tính đổi mới sáng tạo, trên tinh thần “có lên có xuống, có vào có ra, có đi có đến”. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, TCT có các cán bộ nữ được bổ nhiệm vào vị trí trưởng Ban; các Cán bộ lãnh đạo trẻ được quan tâm và trao cơ hội nhiều hơn; TCT cũng đã xây dựng phương án thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp đơn vị, giúp TCT tìm được những cán bộ quản lý tài năng và tâm huyết.
Việc luân chuyển cán bộ không chỉ là một bước đi chiến lược trong quản trị nhân sự mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn bộ hệ thống MobiFone. Khi cán bộ được trải nghiệm qua nhiều vị trí, môi trường làm việc khác nhau, họ có cơ hội tiếp thu kiến thức đa dạng, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ mới, từ đó khơi dậy những ý tưởng sáng tạo và cải tiến. Đồng thời, sự linh hoạt trong luân chuyển cán bộ cũng giúp tối ưu hóa nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho những tài năng trẻ có cơ hội phát triển, đóng góp vào quá trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của TCT. Nhờ đó, MobiFone không chỉ duy trì sức mạnh nội tại mà còn nhanh chóng thích ứng với những thay đổi và thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Một lần nữa có thể khẳng định, luân chuyển cán bộ là giải pháp đổi mới sáng tạo giúp MobiFone phát triển đội ngũ nhân sự linh hoạt, nâng cao kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Qua đó, từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, vững mạnh trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.